Báo thể thao văn hóa đưa tin về chuỗi sự kiện “con người ở đâu trong vũ trụ”

(TT&VH Online) – Cuốn sách Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao của GS Trịnh Xuân Thuận sẽ được NXB Tri thức tổ chức ra mắt từ ngày 5 đến 25/12/2011 tại Hà Nội – Đà Nẵng – Quy Nhơn – Thành phố Hồ Chí Minh.

Với dung lượng đồ sộ, gần 800 trang, Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao là cuốn sách dành cho những người muốn khám phá bầu trời và các vì sao, nhưng không nhất thiết phải có hành trang khoa học của một chuyên gia…

Các mục từ được biên soạn bằng ngôn ngữ rõ ràng, đơn giản, giàu hình ảnh ẩn dụ nhưng không vì thế mà mất đi tính chính xác và khoa học. Cuốn từ điển trước hết chứa các mục từ mô tả cái thế giới lạ lùng và kỳ diệu của vật lý thiên văn: các sao lùn trắng, các pulsar, các “lỗ đen”…, sau đó đề cập tới các mục từ nói về nguồn gốc của nhân loại, những mục từ kể về thiên sử thi hùng tráng của vũ trụ…

Bìa cuốn sách sắp ra mắt của GS Trịnh Xuân Thuận

Cùng với việc ra mắt cuốn sách là chuyến làm việc dài hơn 20 ngày của GS Trịnh Xuân Thuận tại VN.

Đây là chuỗi sự kiện do của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội và nhiều trường đại học uy tín khác như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học FPT, Đại học Đà Nẵng, Đại học Phan Châu Trinh, Đại học Quy Nhơn, Đại học Hoa Sen và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Với chủ đề xuyên suốt là “Con người ở đâu trong vũ trụ”, chuỗi sự kiện của GS Trịnh Xuân Thuận mong muốn đem đến cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ, cái nhìn gần gũi hơn về thiên văn học cũng như những suy nghĩ về bản thân mình trước thế giới và vũ trụ rộng lớn.


GS Trịnh Xuân Thuận

GS Trịnh Xuân Thuân (sinh năm 1948) là một nhà khoa học người Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực vật lý thiên văn, một nhà văn đã viết nhiều quyển sách có giá trị cao về vũ trụ học. Ông còn là một nhà thơ, một triết gia, một Phật tử và một nhà hoạt động cho môi trường và hòa bình.

Ông đã cho ra mắt nhiều đầu sách có giá trị về vũ trụ học và mối tương quan giữa khoa học và Phật giáo như: Giai điệu bí ẩn (1988), Big Bang và sau đó (1992), Hỗn độn và hài hòa (1998)… Năm 2007, ông vinh dự được Viện hàn lâm Pháp trao tặng giải thưởng lớn Moron. Năm 2009, ông nhận giải Kalinga của UNESCO về phổ biến kiến thức khoa học.

Điểm nhấn

“Từ đêm đen của thời gian, con người đã đăm đắm nhìn lên bầu trời, cật vấn nó, thi vị hóa nó và thậm chí còn bi kịch hóa nó. Mọi thứ trong vũ trụ đều thay đổi, vận động và có một lịch sử.

Vũ trụ có điểm bắt đầu, có hiện tại và sẽ có một tương lai. Ngay cả các ngôi sao cũng không vĩnh viễn, chúng sinh ra, sống trọn cuộc đời của mình, rồi chết. Không phải ở thang thời gian bách niên của cuộc đời con người mà là hàng triệu năm, thậm chí hàng tỉ năm.

Làm thế nào mà cái vô cùng bé lại có thể sinh nở ra cái vô cùng lớn?

Làm thế nào mà vũ trụ với toàn bộ hàng trăm tỉ thiên hà lại có thể vọt ra từ một chân không vi mô?

Mặt trời và Mặt trăng đã xuất hiện như thế nào? Tất cả chúng ta chỉ là những hạt bụi của các vì sao và vì vậy chúng ta đều là con đẻ của thời gian.”

(Trích Bìa 4, Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao, Trịnh Xuân Thuận, NXB Tri thức, 2011)

HOA CHANH

Xem bài gốc: http://www.thethaovanhoa.vn/173N20111130184028445T133/gs-trinh-xuan-thuan-ve-vn-ra-sach-ve-vu-tru.htm

Thông báo của NxbTri thức về sự kiện cuốn sách “Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao”

Đầu tháng 12/2011, NXB Tri thức sẽ cho ra mắt độc giả cuốn sách “Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao của tác giả Trịnh Xuân Thuận. Với dung lượng đồ sộ, gần 800 trang, Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao là cuốn sách dành cho những người muốn khám phá bầu trời và các vì sao, nhưng không nhất thiết phải có hành trang khoa học của một chuyên gia. Các mục từ được biên soạn một ngôn ngữ rõ ràng, đơn giản, giàu hình ảnh ẩn dụ nhưng không vì thế mà mất đi tính chính xác và khoa học. Cuốn từ điển trước hết chứa các mục từ mô tả cái thế giới lạ lùng và kỳ diệu của vật lý thiên văn: các “sao lùn trắng, các pulsar, các “lỗ đen”…, sau đó đề cập tới các mục từ nói về nguồn gốc của nhân loại, những mục từ kể về thiên sử thi hùng tráng của vũ trụ…

Cùng với việc ra mắt cuốn sách là chuyến làm việc dài hơn 20 ngày của Tác giả và NXB Tri thức, trải từ Hà Nội đến Hội An, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Thành phố Hồ Chí Minh, tại các trường đại học như Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng, Đại học Phan Châu Trinh… (Xem trong mục “Sự kiện” để biết thêm chi tiết về lịch trình làm việc của Tác giả Trịnh Xuân Thuận nhân chuyến về Việt Nam).

Mọi thông tin chi tiết, cập nhật về cuốn sách cũng như tác giả, các sự kiện diễn ra…. đều sẽ được Nxb Tri thức cập nhật liên tục và đầy đủ trên website chính thức của nxb (http://nxbtrithuc.com.vn), mạng xã hội facebook (http://www.facebook.com/pages/Tr%E1%BB%8Bnh-Xu%C3%A2n-Thu%E1%BA%ADn/180731231958498?sk=info) và website này (https://bautroivacacvisao.wordpress.com)

Cảm ơn quý độc giả

Vật lý và thiên văn là gì?

(Theovi.wikipedia.org) Vật lý thiên văn là một phần của ngành thiên văn học có quan hệ với vật lý trong vũ trụ, bao gồm các tính chất vật lý (cường độ ánh sáng, tỉ trọng, nhiệt độ, và các thành phần hóa học) của các thiên thể chẳng hạn như ngôi sao, thiên hà, và không gian liên sao, cũng như các ảnh hưởng qua lại của chúng. Công việc nghiên cứu Vật lý vũ trụ học là vật lý thiên văn mang tính lý thuyết trong phạm vi rộng nhất.

Bởi vì ngành vật lý thiên văn là một lĩnh vực mênh mông, nên các nhà vật lý học thiên thể thường áp dụng các ngành khoa học khác trong vật lý, bao gồm cơ khí, điện từ học, cơ học thống kê, nhiệt động lực học, cơ học lượng tử, tính tương đối, vật lý nguyên tử, vật lý hạt nhân, và vật lý nguyên tử, phân tửquang học. Trong thực nghiệm, ngành nghiên cứu thiên văn hiện đại bao gồm một phần quan trọng dựa trên nền tảng vật lý cơ bản. Tên gọi của ngành học trong các trường đại học (“vật lý thiên văn” hay “thiên văn học”) thường liên quan nhiều đến lịch sử của ngành hơn là nội dung nghiên cứu. Vật lý thiên văn được đào tạo trong rất nhiều trường đại học với bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thông qua các khoa như kỹ thuật hàng không vũ trụ, vật lý hoặc thiên văn học.

Lịch sử

Mặc dù thiên văn học đã có lịch sử lâu đời nhưng vẫn được xét là một ngành riêng biệt với vật lý. Trong quan điểm về thế giới của Aristotle, Trời đất luôn gắn liền với sự hoàn hảo, các vật thể trên bầu trời tồn tại như một quả cầu hoàn hảo có quỹ đạo tròn hoàn hảo; trong khi dó Trái Đất thuộc về sự không hoàn hảo; 2 quan điểm này không được xem là có liên quan với nhau.

Aristarchus of Samos (khoảng 310-khoảng 250 trước Công Nguyên) đầu tiên đề ra sự vận động của các thiên thể được giải thích rằng Trái Đất và tất cả các hành tinh trong Hệ mặt trời đều quay xung quanh Mặt trời. Thuyết nhật tâm của Aristarchus không được chấp nhận trong thế giới Hy Lạp cổ đại trong nhiều thế kỷ, và quan điểm Mặt trời và các hành tinh quay xung quanh Trái đất trở thành cơ bản không thể chối cãi, cho đến khi Nicolaus Copernicus làm sống lại mô hình Nhật tâm trong thế kỷ 16. Năm 1609, Galileo Galilei phát hiện ra 4 vệ tinh sáng nhất của sao Mộc, và ghi nhận quỹ đạo của chúng so với sao Mộc, điều đó mâu thuẫn với giáo lý Địa tâm của Nhà thờ Cơ đốc giáo vào lúc đó, và thoát khỏi sự trừng phạt bằng cách bảo vệ quan điểm của ông được sinh ra bởi toán học, không phải từ những triết lý tự nhiên, mặc dù nó thật sự khó hiểu.

Phần lớn các số liệu thiên văn chính xác được quan sát bởi Tycho Brahe đã đặt nền móng cho sự phát triển các học thuyết sau này về vũ trụ. Đầu tiên là các quy tắc dựa trên số liệu thực nghiệm, điển hình là ba định luật của Kepler về sự chuyển động của các hành tinh, đề xướng vào thế kỷ 17. Sau đó, Newton đã tạo một cầu nối giữa các định luật của Kepler và động lực học của Galileo bằng việc cho rằng có sự giống nhau giữa động lực học của các vật thể trên trái đất và động lực học giữa của các hành tinhmặt trăng. Cơ học thiên thể – sự áp dụng định luật hấp dẫn và các định luật của Newton để giải thích các định luật của Kepler về sự chuyển động của các hành tinh, đã trở thành sự hợp nhất đầu tiên của vật lý và thiên văn học.

Sau khi Isaac Newton công bố quyển Principia, ngành hàng hải đã bắt đầu có những chuyển biến. Bắt đầu vào những năm 1970, thế giới bắt đầu để ý đến việc sử dụng một hệ vĩ độ mới, cũng như dùng những chiếc đồng hồ chuẩn xác. Nhu cầu của ngành hàng hải thời bấy giờ đã đặt ra yêu cầu cho một cuộc chạy đua về các số liệu liệu quan sát thiên văn và phưong tiện ngày càng chính xác hơn, cũng như một nền tảng khoa học mạnh mẽ hơn nữa.

Vào những năm cuối thế kỉ 19, người ta tìm ra rằng khi phân tích ánh sáng mặt trời, ta sẽ quan sát đựoc một hệ thống các vạch quang phổ (trong vùng tồn tại rất ít hoặc không có ánh sáng trắng). Thực nghiệm đã cho thấy rằng các khí nóng cũng phát ra quang phổ vạch, điều đặc biệt là mỗi một nguyên tố hóa học chỉ phát ra những vạch quang phổ đặc trưng riêng biệt tưong ứng. Điều này chứng tỏ rằng chúng ta có thể tìm hiểu xem trên Mặt trời có các nguyên tố hóa học nào, bằng cách so sánh các vạch quang phổ từ ánh sáng mặt trời với các vạch quang phổ của các nguyên tố hóa học đã có sẵn ở Trái đất. Thực vậy, nguyên tố heli đầu tiên đã được tìm thấy từ quang phổ mặt trời, sau đó mới tìm thấy trên trái đất, người ta đã nhân điều này mà đặt tên cho nó. Trong suốt thể kỷ 20, với sự tiến bộ của quang phổ học (môn học nghiên cứu về các vạch quang phổ), đặc biệt là những kết quả của vật lý lượng tử, đã cho phép chúng ta sự hiểu biết rõ hơn về thiên văn học, cũng như lý giải các số liệu thực nghiệm của nó. [1]

Đối tượng của ngành vật lý thiên văn

Phần lớn các ngành quan sát của vật lý thiên văn đều dựa trên phổ sóng điện từ:

Ngành thiên văn vô tuyến nghiên cứu các bức xạ có bước sóng lớn hơn vài milimet. Sóng vô tuyến thường đựoc phát ra bởi các vật thể lạnh, bao gồm cả các khí và các đám mây bụi trong không gian. Bức xạ viba nềnsự dịch chuyển về phía đỏ đã minh chứng cho lý thuyết Big Bang, các Pulsar cũng được phát hiện ở tần số của sóng viba. Việc nghiên cứu các sóng này đòi hỏi phải có những kính thiên văn vô tuyến rất lớn.

Ngành thiên văn học hồng ngoại nghiên cứu các bức xạ có bước sóng dài hơn bước sóng thuộc vùng nhìn thấy, nhưng ngắn hơn bước sóng của sóng viba. Ngành thiên văn học hồng ngoại thường sử dụng các kính thiên văn tương tự như kính thiên văn quang học. Các vật thể lạnh hơn các sao (chẳng hạn như hành tinh) thừong là đối tựong chính của ngành này.

Ngành thiên văn quang học là ngành lâu đời nhất của thiên văn học, những chiếc kính được trang bị bộ cảm biến hình ảnh hoặc kính quang phổ là loại thường được sử dụng nhất]]. Vì khí quyển của Trái đất gây ảnh hưởng lên các quan sát bằng quang học, nên kính viễn vọng không gian được đưa vào sử dụng, nhằm tạo ra các bức ảnh có chất lựong cao nhất. Ở khoảng cách này, các ngôi sao và nhiều quang phổ của chúng được quan sát rất rõ, tạo điều kiện cho nghiên cứu thành phần hóa học của sao, thậm chí của các thiên hà.

GS Trịnh Xuân Thuận: “Chúng ta đều phụ thuộc vào nhau”

Theo Kim Yến (Sài Gòn Tiếp Thị) Tin giáo sư vật lý thiên vănTrịnh Xuân Thuận, người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng cao quý Kalinga của UNESCO về Phổ biến khoa học năm 2009 đã như ngọn gió lành làm nức lòng giới khoa học và tất cả độc giả đã từng yêu quý ông qua những tác phẩm viết về vũ trụ với cái nhìn tinh tế, giàu mỹ cảm, thấm đẫm tư tưởng triết lý của đạo học Phương Đông.

Dù vô cùng bận rộn, từ nước Mỹ xa xôi, ông đã dành hơn hai giờ đồng hồ để trả lời thật cặn kẽ những câu hỏi của phóng viên qua điện thoại. Giọng Hà Nội cổ trầm và ấm áp, lối nói khúc chiết, tình cảm, ông diễn đạt những điều cao siêu và bí ẩn của vũ trụ với một ngôn ngữ thật giản dị.

Thỉnh thoảng ông dừng lại, hỏi han về Việt Nam như thể một người thân xa nhà đã lâu. Có cảm giác như ông đang hiện diện, đôi mắt trầm tư và hóm hỉnh, mở lòng chia sẻ với tất cả công chúng bình dị nhất về những gì ông đam mê và day dứt…

– Thưa giáo sư, ông có thể cho cụ thể hơn về Giải thưởng cao quý của UNESCO về Phổ biến khoa học năm 2009? Cảm xúc của riêng ông trong những ngày này?

– Tôi rất hãnh diện, vui mừng, vì đây không chỉ là vinh quang của riêng tôi mà là vinh quang của Việt Nam. Lần đầu tiên trên chính trường quốc tế, người Việt Nam đoạt giải thưởng lớn này, cùng với giáo sư Yash Pal người Ấn Độ. Viết sách, dạy học, khảo cứu là ba công việc mà tôi theo đuổi suốt đời, và coi như lẽ sống của đời mình.

Chúng ta đang sống trong một thế giới bị vây bủa bởi kỹ thuật, ngạt thở vì bụi và khói, ít người hiểu rằng chúng ta còn có một vũ trụ bao la, đẹp đẽ và thật hài hòa. Với tư cách là một nhà khoa học, tiếp xúc hàng ngày với vũ trụ, tôi muốn chia sẻ những cảm xúc tuyệt vời về những điều kỳ diệu của vũ trụ. Giải thưởng về Phổ biến khoa học là phần thưởng ý nghĩa nhất cho những tác phẩm mà tôi đã viết để gửi tặng cho tất cả mọi người

Hầu hết các tác phẩm của ông đều được dịch sang tiếng Việt, trong đó có Những con đường ánh sáng (tác phẩm giúp ông đoạt giải Moron của Viện hàn lâm Pháp năm 2007), ông đã suy nghĩ rất nhiều về ánh sáng và các khía cạnh tinh thần của ánh sáng? Ông đánh giá như thế nào về các bản dịch của dịch giả Phạm Xuân Thiều?

– Ánh sáng là người bạn tri kỉ của tôi, là phương tiện giúp tôi đối thoại với vũ trụ. Thuyết Lượng tử và thuyết Tương đối của Albert Einstein cũng nói về ánh sáng. Trong tất cả các tôn giáo, ánh sáng đẩy lùi sự không hiểu biết, sự mù quáng. Ánh sáng từ những ngọn nến thắp lên trên bàn thờ Phật đẩy lùi bóng tối, sự huyễn tưởng, tham muốn, đau khổ, để đi đến niết bàn. Ánh sáng từ những cánh cửa nhà thờ chính là ánh sáng của Chúa…

Tôi ước ao thám hiểm không chỉ tầm vóc khoa học kỹ thuật, mà còn về thẩm mỹ, nghệ thuật, khía cạnh siêu hình, triết lý tôn giáo của ánh sáng. Ý định của tôi là biết được làm thế nào ánh sáng đã cho phép chúng ta trở thành những con người.

Về dịch giả Phạm Văn Thiều, anh ấy cũng là một nhà vật lý, nên hiểu chính xác các ngôn ngữ chuyên môn. Nhưng viết với tôi không chỉ nói về khoa học, đó còn là một tác phẩm văn chương với cách nói đẹp đẽ, khiến cho người đọc say mê. Anh Thiều đã thực sự cảm được chất triết lý, chất thơ và dịch rất đúng với tinh thần của tôi. Anh cũng đang giúp tôi dịch tác phẩm mới nhất Từ điển về những người yêu trời và ngôi sao do NXB Tri thức xuất bản.

Mặc dù sống ở Mỹ, nhưng sách của tôi xuất bản ở Paris là chủ yếu, vì tôi viết bằng tiếng Pháp. Khi tác phẩm trở thành best- seller ở Paris, người ta mới dịch sang tiếng Anh và 20 thứ tiếng khác trên thế giới. Do vậy đối với tôi, chuyện dịch rất quan trọng, ngoài tinh thần khoa học, phải có tinh thần thơ, tinh thần triết lý.

Tác phẩm Nguồn gốc thể hiện quan niệm của riêng ông khi trở lại với nguồn gốc của vũ trụ, của loài người, để giúp con người thay đổi cách nhìn về cuộc sống, về thế giới?

– Tôi mong muốn giải đáp phần nào những câu hỏi mãi hiện hữu trong tâm trí của nhân loại, đó là nguồn gốc hình thành vũ trụ. Vũ trụ đẻ ra các ngôi sao, từ đó hình thành trái đất, hình thành tế bào đầu tiên của sự sống, sinh ra con người. Tất cả chúng ta đều là con đẻ của các ngôi sao, liên hệ mật thiết với các ngôi sao, đó là ông tổ của loài người. Trái đất cũng được tạo thành bởi các nguyên tố sinh ra trong lòng các ngôi sao.

Trong hệ mặt trời, chỉ có trái đất mới có các biển nước bao la để cho sự sống nảy nở. Hiểu như thế để thấy trái đất quý báu biết chừng nào, phải bảo vệ và che chở nó. Nếu không chỉ mấy thế hệ nữa thôi con cháu ta sẽ không còn chỗ để ở nữa, vì trái đất ngày càng nóng lên. Mỗi 100 năm trái đất nóng lên từ 1 đến 2 độ, băng ở Nam cực và Bắc cực đã tan chảy, khiến lụt bão càng ngày càng nhiều, hoành hành ngày càng dữ dội.

Hiện giờ 25% cacbon dioxit (CO2) thải ra trong khí quyển trái đất là từ nước Mỹ, 25% là từ Trung Quốc. Thời của Bush, nước Mỹ không chịu ký hiệp định Kyoto năm 1997 về chống khí thải. Chính sách của ông Obama có tiến bộ hơn, tháng 12 này Mỹ và các nước sẽ họp lại ở Copenhagen, Đan Mach để tìm giải pháp giảm khí thải trên toàn thế giới.

Với tư cách nhà khoa học, tôi chỉ nói lên lời cảnh báo, còn người định đoạt là các nhà chính trị. Tôi mong khi các cường quốc có trách nhiệm hơn, sẽ cải thiện được tình hình, vì trái đất là của chung mọi người.

Biết rằng tất cả chúng ta chỉ là những hạt bụi, chia sẻ cùng một lịch sử vũ trụ với loài linh dương và các đóa hồng, chúng ta được gắn kết với nhau qua không gian và thời gian, sẽ giúp chúng ta ý thức được sự phụ thuộc vào những người khác. Ý thức này sẽ sinh ra lòng trắc ẩn, giúp chúng ta nhìn thế giới khác đi và hành động công bằng hơn.

Với riêng Việt Nam, ông có nghiên cứu nhiều về thảm họa tàn phá môi trường trong sự thái quá về phát triển kinh tế hiện nay hay không?

– Tôi cũng rất lo sợ. Tôi hiểu Việt Nam muốn phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, không còn cách nào khác là phải phát triển du lịch, vì Việt Nam có một thiên nhiên rất đẹp, có núi, có biển, có rừng. Nhưng phát triển du lịch phải nghĩ đến bảo vệ môi trường xung quanh, chứ kiểu phá rừng bừa bãi, giết chết thú vật và tất cả những sinh vật thiên nhiên như chim chóc,muông thú như hiện nay vô cùng nguy hiểm.

Rừng của chúng ta có rất nhiều loài chim lạ mà các nhà khoa học quan tâm và đã đến khảo cứu, nhưng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Những nhà lãnh đạo đất nước phải quan tâm đến việc phát triển kinh tế trong sự tôn trọng môi trường

– Từng học tại Thụy Sĩ, lý do gì khiến ông chọn nước Mỹ là nơi dừng chân? Ấn tượng nhất với ông về cách dạy, cách học của hệ thống đại học đỉnh cao của Mỹ?

– Đậu tú tài năm 1966, tôi định đến Pháp để học vật lý, nhưng bài diễn văn của tướng De Gaulle ở Phnom Penh đòi Mỹ rút quân ngay lập tức khỏi Đông Nam Á đã làm thay đổi mọi kế hoạch của tôi. Việt Nam cắt đứt liên hệ ngoại giao với Pháp nên tôi không thể sang Paris học nữa.

Sau một năm học ở Lausanne, Thụy Sĩ, tôi sang Mỹ học tại Caltech (viện Công nghệ Califonia ), “thánh địa” của các nhà vật lý thiên văn. Caltech có kính thiên văn lớn nhất thế giới vào lúc đó, có thể nhìn về quá khứ hàng tỉ năm, một nơi lý tưởng để nảy sinh thiên hướng cho một thanh niên 19 tuổi đang khát khao tìm hiểu mọi thứ như tôi. Xúc động lắm khi được những giáo sư dạy những công trình của chính họ.

Lớp không quá mười lăm người nên được tiếp xúc thật gần với từng giáo sư, cả những vị nổi danh nhất từng đoạt giải Nobel. Giáo dục quan trọng nhất là dạy cách nghĩ khác biệt trước một vấn đề, giúp cho người học đi xa hơn chính người thầy của mình trong quá khứ. Thế là tôi đổi thay.

Tôi hoàn toàn ngạc nhiên khi thấy Richard Feynman, một trong những đỉnh cao của ngành Vật lý hiện đại, trả lời một cách kiên nhẫn từng câu hỏi của những cậu bé mười chín tuổi như tôi. Ông tranh luận và pha trò với chúng tôi. Ông luôn nhìn thiên nhiên bằng đôi mắt mới lạ, ngây thơ, diễn dịch lại theo cách của riêng ông. Ông không hề đi theo con đường mòn và luôn đặt lại câu hỏi cho những ý tưởng đã được công nhận. Ðó là chưa kể sự tự do lạ thường mà chúng tôi có được.

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy sinh viên đi chân trần, ăn mặc lôi thôi đến dự giờ do một Nobel giảng dạy! Sau chấn động đó, tôi bắt đầu thích môi trường quá phong phú cho sự nảy nở tài năng của mỗi người, bất kể hình thức hay tầng lớp xã hội. Đặc ân tối cao là chúng tôi có thể gõ bất cứ cửa nào và bất cứ lúc nào, tất cả những đầu óc vĩ đại đó sẽ thong thả trả lời cho chúng tôi từng câu hỏi.

Trong sự chọn lựa của ông đối với thiên văn học, ông đã phải trả giá cho những mất mát, khó khăn như thế nào của đời sống thường ngày? Theo ông, vì sao lớp trẻ ngày nay ít người dám theo đuổi những khát vọng lớn như thế hệ ông?

– Sống ở Mỹ từ năm 19 tuổi đến giờ đã hơn 42 năm, nhưng do học tiếng Pháp từ bé nên tiếng Pháp đối với tôi là tiếng của thơ ca, còn những gì thuộc về khoa học tôi viết bằng tiếng Anh. Những năm đầu sống trên đất Mỹ rất khó khăn, vì lúc ấy chiến tranh Việt Nam đang vào thời kỳ ác liệt nhất, nhiều người bạn Mỹ của tôi ở trong trường đã phải vào quân ngũ để sang Việt Nam.

Không biết tiếng Anh, những ngày đầu tiên thầy giáo vật lý giảng bài tôi chẳng hiểu gì, chỉ nhận ra mấy cái phương trình. Mấy tháng sau mới tiếp thu được tiếng Anh nhanh hơn. Thực sự tôi phải trả giá rất nhiều cho việc học, khó nhất là làm thế nào để hòa mình vào môi trường khoa học trình độ cao. Lúc đầu bị cắt hết liên lạc gia đình, đâu có tiền mà về thăm nhà. Lúc đó chưa có e-mail hoặc internet.

Xa gia đình, xa đất nước mình, thiếu chỗ nương tựa tinh thần, văn hóa lại khác hẳn nên rất gian nan. Phải có ý chí, đam mê nhiều lắm, nhất là sự ham thích tìm hiểu, nghĩ ngợi, hân hoan với mỗi phát hiện mới của riêng mình, chứ nếu chỉ nghĩ đến tiền và làm giàu thì không thể làm khoa học được.

Thế hệ chúng tôi già rồi, nên rất mong có những thế hệ kế tiếp, nhưng hình như các bạn trẻ ngày nay theo đuổi những nghề nghiệp giúp họ kiếm tiền nhanh như kinh doanh, bác sĩ, luật sư… hơn là về khoa học. Trách nhiệm của những nhà giáo dục là phải truyền đạt tới lớp trẻ tình yêu khoa học. Chính vì vậy mà tôi đẻ ra môn Thiên văn học dành cho các nhà thơ, để dành cho những sinh viên học các môn học khác như kinh tế học, triết học, văn học…Tôi rất thú vị khi thấy các em rất say mê môn học này, và thích thú nhìn lên bầu trời, quan sát các ngôi sao.

Sau ngày miền Nam được giải phóng, cha ông (Trịnh Xuân Ngạn – PV) phải đi học tập cải tạo vì là chủ tịch Tối cao Pháp viện chế độ Sài Gòn, nghe nói ông đã viết thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng để xin cho cha được về?

– Khi ấy, tôi tưởng không thể gặp lại bố được nữa. Lúc ấy Mỹ không có bang giao với Việt Nam. Không biết làm gì để cứu bố, tôi sang Pháp gặp một đồng nghiệp về vật lý thiên văn, rất may ông là bạn thân của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông ấy đã viết một bức thư gửi Thủ tướng xin tự do cho cha tôi, nhưng tôi cũng không dám hy vọng gì nhiều. Không ngờ Thủ tướng đã tác động ngay cho bố tôi được sang Pháp sinh sống cùng gia đình.

– Đối diện với vũ trụ bao la, có bao giờ ông rơi vào cảm giác quá bé nhỏ, tuyệt vọng, cô đơn…?

– Tôi luôn cảm thấy hài hòa một cách tự nhiên với vũ trụ, nên không bao giờ cảm thấy cô đơn. Vả lại tôi luôn có những người thân yêu ở bên cạnh nâng đỡ, động viên. Cha tôi giờ đã mất, nhưng ông là một tấm gương lớn cho tôi về tinh thần học hỏi không ngừng. Ông luôn khuyến khích tôi trên con đường khoa học, dạy tôi trước tiên phải trở thành người lương thiện, biết thương người khác.

Tôi may mắn có người vợ hết lòng, cô ấy cũng dạy học như tôi, nhưng biết lo lắng chuyện nhà chuyện cửa để tôi yên tâm nghiên cứu. Trong gia đình lớn của tôi, sự gắn bó từ đời này sang đời khác rất được coi trọng, gìn giữ. Dòng họ nhà tôi nhiều người đỗ đạt tiến sĩ, làm quan lớn trong triều. Học hỏi, khảo cứu và giúp người là truyền thống quý báu nhất của dòng họ. Tôi viết sách, dạy học, khảo cứu cũng là để tiếp nối truyền thống đó.

Trong chuyến trở về Việt Nam cùng phái đoàn của Tổng thống Pháp Mitterrand năm 1993, đến Văn Miếu ở Hà Nội, tôi rất hãnh diện khi thấy ông tổ của mình cũng có tên trong đó. Lúc đó, mức sống ở miền Bắc còn quá thấp so với miền Nam, nhiều chỗ không có điện nước.

Năm 2004, trở lại ngôi làng thời ấu thơ bên kia sông Đuống, thăm lại mồ mả cha ông, tôi vô cùng xúc động khi thấy tất cả sức lực của đất nước được dồn cho xây dựng, mức sống của người dân quê tôi đã được nâng lên đáng kể… Tất cả những điều đó níu giữ mình, giúp mình cảm thấy không cô đơn, thấy có trách nhiệm hơn với cuộc đời và xã hội..

– Là nhà khoa học, có bao giờ ông tin vào trực giác, sự mách bảo của tâm linh?

– Thường khi nghĩ nhiều về một vấn đề nào đó của vũ trụ, trực giác luôn đến với tôi đầu tiên, sau đó mới là những luận cứ khoa học. Cũng có khi trực giác và luận cứ khoa học đến cùng một lúc. Điều kỳ diệu đâu phải tự nhiên mà có, mình phải đeo đuổi nó nhiều lắm, tìm hiểu nhiều lắm qua kính thiên văn và suy nghĩ, rồi mới phát hiện ra. Lúc ấy thấy hân hoan lắm.

Là người rất quan tâm đến đời sống xã hội, ông nghĩ gì về sự đổ vỡ trong đời sống tinh thần của con người hiện đại, khi lao theo những ham muốn bất tận về đời sống vật chất đến mức không dừng lại được?

– Khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua là bằng chứng rõ nhất về chuyện con người quá lao theo vật chất, mà quên đi những giá trị tinh thần. Con người cần phải nghĩ nhiều hơn về hạnh phúc. Làm giàu là cần thiết, nhưng đến một mức độ nào thôi cũng phải biết hướng tới những giá trị truyền thống của đời sống nhân văn, biểu hiện qua tôn giáo.

Toàn thế giới đang chạy theo chỉ số GDP, nhưng ở Bhutan, đất nước theo đạo Phật, chỉ số hạnh phúc lại cao nhất thế giới. Họ có nền an ninh sung sướng mặc dù nghèo hơn rất nhiều nước khác. Giàu đến một mức nào đó thôi cũng phải nghĩ cách giúp đỡ người khác, như Bill Gates, người đã tạo ra hãng Microsoft chẳng hạn. Chứ sống một mình sung sướng trên một biển toàn người đau khổ thì đâu có hạnh phúc gì.

Chúng ta phụ thuộc vào nhau, điều cụ thể nhất mà mỗi gia đình có thể làm được là các bậc cha mẹ hãy giáo dục cho con cái mình đừng nên chạy theo vật chất, biết nghĩ nhiều hơn cho người khác thì cuộc sống của mình sẽ ý nghĩa hơn

– Để tồn tại, cạnh tranh và sống sót trong một thế giới đầy bất an như hiện nay, theo ông, con người phải thay đổi điều gì trong tư duy và lối sống của chính mình?

-Tôi sống ở đất Mỹ, nơi lúc nào cũng nói đến chữ cạnh tranh. Nhưng chữ cạnh tranh mà ông Obama dùng khác hẳn chữ cạnh tranh của ông Bush. Cạnh tranh với Obama là để chung sống hòa bình, chứ không phải gây chiến như Bush. Có lẽ nhờ thế ông đã đoạt giải Nobel Hòa bình 2009 dù chưa làm được gì, nhưng đã thay đổi hoàn toàn trong cách nghĩ, để mong giúp đỡ con người.

Toàn cầu hóa hòa bình là mục đích của cạnh tranh lành mạnh, để cùng phát triển, chứ không phải bám vào việc đào bới thiên nhiên, hủy hoại đất mẹ. Sự sụp đổ hàng loạt các tập đoàn tài chính Mỹ đang bị siết lại bằng luật, nhưng điều cốt lõi là phải thay đổi là cách nghĩ, thay đổi trong tâm. Chính vì thế phải có tôn giáo. Đạo Phật dạy tiền bạc, vật chất là ảo hết, tình thương yêu, giúp đỡ người khác mới là sự thật, đó mới là sức mạnh của con người.

Mối tương đồng giữa vật lý hiện đại với đạo học phương Đông, nhất là Phật giáo đã mở cho ông những cánh cửa như thế nào để thấy được bộ mặt thật của vật chất?

– Tôi chiêm nghiệm thế giới theo triết lý Phật giáo nhưng với cái nhìn của nhà khoa học vật lý hiện đại và đạo học phương Đông là hai cách nhìn về cùng một sự vật, đó là vũ trụ. Hai lối nghĩ tả về một cái thì phải gặp gỡ nhau thôi.

Nếu như tôn giáo giúp mình nhìn ra sự thật về vũ trụ để sống, để nhìn đời hoàn hảo hơn thì vật lý hiện đại giúp mình dùng thiên nhiên để chế tạo ra những công trình kỹ thuật, khoa học. Phật giáo rất vững vàng để đương đầu với khoa học. Nhà khoa học làm những cuộc quan sát, thí nghiệm.

Trong Phật giáo, con người tự thí nghiệm lấy chính mình. Họ tự tìm lấy con đường của họ. Trong đạo Phật, người ta tìm thấy khái niệm vô thường: tất cả đều chuyển động, tất cả đều thay đổi, tất cả đều tiến hóa, thì đó cũng là thông điệp chính của khoa học. Các ngôi sao đều có lịch sử riêng của chúng: chúng sinh ra, sống và chết. Vũ trụ có một sự khai nguyên, một hiện tại và một tương lai. Tất cả đều thay đổi, tất cả đều chuyển động.

Tôi cũng đang tìm hiểu thêm về Lão tử để soi rọi nó với đạo Phật, phát hiện thêm những chiều sâu mà mình chưa biết đến. Đó là cuộc tìm kiếm vô cùng. Cho đến nay, con người có thể nhìn thấy chỉ chiếm 4% trong tổng số vật chất trong vũ trụ. Như vậy, rõ ràng, còn quá nhiều thứ, đến 96%, để chúng ta học hỏi và khám phá. Tôi tin rằng ý thức con người đủ sức mạnh để khám phá phần còn lại mênh mông và huyền bí đó.

– Theo ông, sự gặp gỡ giữa nhận thức luận phương Tây và triết lý phương Đông có giúp con người thoát khỏi những khủng hoảng cá nhân?

– Tôi nghĩ triết lý phương Tây để ý đến cá nhân nhiều hơn, trong khi phương Đông lại có lối nhìn toàn vẹn hơn. Khi những luồng tư tưởng khác biệt gặp nhau, tác động lên nhau, có thể giúp con người vượt thoát khỏi sự khủng hoảng trong đời sống tinh thần, tìm đến một chủ nghĩa nhân văn phổ quát, để vừa thúc đẩy tính sáng tạo trong mỗi cá nhân, vừa giúp mỗi cá nhân hài hòa hơn với xã hội, gìn giữ mối quan hệ gia đình. Hiện có rất nhiều người Âu châu để ý đến đạo Phật vì tinh thần gần gũi, rộng rãi của nó.

– Ông có thể kể một chút về tình bạn với Ricard Matthieu, người đã ảnh hưởng rất lớn đến ông trên con đường trở thành một Phật tử tự do, và viết chung tác phẩm Cái vô tận trong lòng bàn tay?

– Matthieu Ricard vốn là một tiến sĩ sinh học người Pháp đã bỏ hết sự nghiệp đi tu, vì cho rằng việc khảo cứu không làm cho đời mình hạnh phúc. Ông trở thành một thiền sư Phật giáo Tây Tạng, và là người rất thân cận với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Khi Đạt Lai Lạt Ma sang Pháp luôn có ông bên cạnh.

Ông nổi tiếng ở châu Âu về truyền bá đạo Phật, cách tu tâm, thiền. Ông sống rất đúng theo triết lý của đạo Phật, luôn đỡ người khác, bao nhiều tiến viết sách ông dành để xây làng cho trẻ mồ côi ở Tây Tạng, và làm từ thiện.

Mùa hè năm 1997, tôi và nhà sư Matthieu tình cờ gặp nhau tại một hội thảo ở nước Andorra, nhỏ nhất thế giới. Trong chuyến du hành lên núi Pyrenee ở nước đó, chúng tôi đã trở thành bạn thân, thảo luận với nhau về những vấn đề cốt tử của khoa học và tôn giáo. Tôi đã lớn lên hơn với triết lý cho rằng con người không hiện hữu trong cô đơn và cô lập. Tất cả đều là một thành phần của tổng thể.

– Ông nghĩ gì về vai trò của người trí thức trong sự phát triển của đất nước? Theo ông làm thế nào để có được những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực khoa học, thiên văn, nhất là khoa học xã hội nhân văn? Nỗi đau nào ám ảnh ông khi về thăm lại quê hương?

– Với riêng tôi, cách giúp đỡ tốt nhất là mang những tác phẩm của mình đến với công chúng Việt Nam, để gầy dựng tình yêu khoa học cho những thế hệ sinh viên trẻ, và tham gia giảng dạy cho những sinh viên ưu tú của đại học Việt Nam. Còn chuyện khảo cứu thì quá thiếu phương tiện.

Tôi mong khi đất nước phát triển, Việt Nam sẽ thu hút được chất xám của những chuyên gia người Việt đã được đào tạo tại Mỹ và châu Âu về giảng dạy như Trung Quốc bây giờ. Hệ thống đại học đỉnh cao của Trung Quốc hiện nay chất lượng đào tạo ngang hàng với Mỹ chính vì đã biết đầu tư để thu hút chất xám về nước, nhờ vậy họ tiến rất nhanh. Muốn vậy, phải có một chính sách đúng từ chính phủ.

Chỉ lo đầu tư cho đường sá, cầu cống, để tham nhũng hoành hành như hiện nay rất nguy hiểm. Các nhà lãnh đạo phải hiểu đầu tư cho giáo dục, khảo cứu là đầu tư cho tương lai của đất nước. Điều tôi mong muốn nhất của tôi là một ngày kia nước mình sẽ có đài thiên văn, có người làm thiên văn. Khoa học phát triển mới có thể phát triển căn cơ về kinh tế

– Cho đến bây giờ, ông đã thực sự tìm thấy sự bình yên?

– Cũng nhờ Trời Phật phù hộ mà ngay từ nhỏ tôi đã biết mình muốn gì, đó là theo đuổi đam mê làm khoa học, chứ không bị lang bang sang các ham muốn khác. Biết làm điều mình thích nên không bị khổ. Giây phút hạnh phúc nhất với tôi là khi khám phá ra một điều mới lạ. Đạo Phật lúc nào cũng ở trong tôi, giúp tôi sống thanh thản hơn.

– Phương châm sống của riêng ông?

– Làm gì cũng ráng làm hết sức, sinh sống không làm hại người khác, giúp được ai thì giúp hết lòng.

—————————————————————————————————————–

– Đầu tháng 10/2009, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định trao Giải thưởng Kalinga 2009 cho giáo sư Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt hàng đầu thế giới. Đây là giải thưởng quốc tế nhằm tôn vinh nỗ lực của những nhà nghiên cứu có nhiều thành công trong việc phổ biến kiến thức khoa học đến công chúng, cải thiện phúc lợi công cộng và làm giàu có thêm di sản văn hóa của các dân tộc và những giải pháp cho các vấn đề của nhân loại.  Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 5/11 trong thời gian diễn ra Diễn đàn Khoa học Thế giới, tại thủ đô Budapest (Hungary).

– Giáo sư Trịnh Xuân Thuận không chỉ nổi tiếng là nhà vật lý thiên văn có nhiều công trình nghiên cứu về vũ trụ gây tiếng vang lớn. Ông còn là nhà văn, nhà thơ, một triết gia, một Phật tử và nhà hoạt động cho môi trường và hòa bình. Khoa học đối với ông không chỉ dành riêng cho những nhà thông thái, mà luôn nhắm tới công chúng bình dị. Những tác phẩm best-seller của ông như Những con đường ánh sáng, Giai điệu bí ẩn, Hỗn độn và hài hòa, Cái vô hạn  trong lòng bàn tay, Lượng tử và hoa sen, Nguồn gốc…đã được dịch ra 20 thứ tiếng khác nhau trên thế giới

 —————————————————————————————————————–

Ý kiến về Trịnh Xuân Thuận

– Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh:

“Chúng tôi xin nhiệt liệt chúc mừng anh Thuận. Tin này làm phân chấn cộng đồng Việt Nam nói chung, và giới khoa học Việt Nam trong và ngoài nước nói riêng. Khoa học tại VN chắc chắn sẽ nhận được một “cú hích” tốt cho sự phát triển. Thanh niên và cộng đồng sẽ hướng nhiều hơn nữa về khoa học, điều cần thiết để phát triển trí tuệ.

Câu nói của Voltaire về Galilei: “Triết lý đích thực đã không bắt đầu khai sáng con người cho đến khi cuối thế kỷ mười sáu. Galilei là người đầu tiên đã làm cho vật lý học nói lên được ngôn ngữ của sự thật và lý tính”, cho thấy vai trò lớn lao của khoa học trong đóng góp phát triển trí tuệ, lý tính của con người, đặc biệt trong một nước có những đặc thù khó khăn như VN.

Cuốn Kỷ yếu thiên văn và Darwin năm nay ra đời đúng lúc anh đón nhận tin vui. Xin cám ơn những đóng góp rất có ý nghĩa của anh Thuận.

– Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng:

“Những cuốn sách của Trịnh Xuân Thuận cho thấy một bộ phận tinh hoa các nhà khoa học trên thế giới không còn hài lòng với việc làm nhà khoa học “thuần tuý”. Họ vươn lên một thứ “bản thể luận về khoa học và tri thức”, mà trong đó mọi ngành khoa học, cả tự nhiên lẫn nhân văn, và cả nghệ thuật, đều là những thành tố không thể tách rời của một cái toàn thể bất phân. Đó cũng lại là hậu hiện đại: Không còn sự chia cắt đầy võ đoán giữa một đằng là khoa học, một đằng là nghệ thuật, một đằng là tôn giáo. Không thấy sự phân chia giữa những thứ đó, mà cảm nhận nó như một toàn thể. Văn chương cũng có thể vậy, cần phải vậy.

– Dịch giả, nhà vật lý Phạm Văn Thiều:

“Ấn tượng mạnh nhất của tôi là trước khi khép lại Nguồn gốc, tác giả đã dụng ý đặt bức ảnh lớn về một nhà sư ngồi thiền trước một vườn cát mênh mông Daisen-in, xây dựng đầu thế kỷ XVI, trong quần thể các đền Daitoku-ji ở Kyoto, Nhật Bản. Khu vườn dành cho nhà sư thiền định nhìn vào một khoảng trống ngang dọc những chuyển động sâu xa, mà chỉ những gợn sóng trên bề mặt của cát gợi ra. Cát trắng được cào hằng ngày và được vun thành 3 đống, trong đó một đống không bao giờ nhìn thấy được, bất kể vị trí của người ngồi chiêm nghiệm.

Cuộc sống hiện đại với rất nhiều sức ép của nó đã khiến đa số chúng ta mải mê theo đuổi những tham vọng trần tục, chẳng còn thì giờ đâu để suy ngẫm về chính bản thân mình cũng như nguồn gốc của mình. Bức ảnh đó dường như nhắc nhở chúng ta nên nhớ rằng con người là báu vật mà tự nhiên đã biết bao khó nhọc mới tạo được ra nhưng cũng rất nhỏ nhoi trong khoảng mênh mông vô tận của vũ trụ. Hãy dành thời gian để suy ngẫm, để sống nhân ái và bao dung với đồng loại để xứng đáng với ân huệ to lớn mà tự nhiên đã ban tặng chúng ta”.

Trịnh Xuân Thuận: “Tôi tin vào thuyết sáng tạo”

(Theo vnexpress.net) Nói tiếng Việt không thật chuẩn, thường xuyên phải minh họa bằng tiếng Anh, Pháp và cả “body language”, nhưng giáo sư Trịnh Xuân Thuận vẫn hấp dẫn hội trường đông kín người tại ĐH Bách khoa Hà Nội suốt 3 giờ đồng hồ sáng nay, với bài nói chuyện về Big bang và con người trong vũ trụ.

Đây là một trong số nhiều buổi gặp gỡ của ông với các chuyên gia và sinh viên Việt Nam yêu thích môn thiên văn nhân chuyến về nước lần thứ 3. Giới thiệu về Trịnh Xuân Thuận, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch danh dự Hội Vật lý Việt Nam, chỉ nhận xét ngắn gọn: “Ông hiện là giảng viên Đại học Virginia, là một trong những nhà khoa học tự nhiên Việt Nam nổi tiếng nhất ở Mỹ và Tây Âu”.

Bằng những hình chiếu đẹp và sinh động, bài giảng của Giáo sư Thuận đã khái quát lại lịch sử hình thành ý tưởng vũ trụ của loài người, từ những quan điểm sơ khai ban đầu như trái đất là trung tâm vũ trụ, rồi mặt trời là trung tâm vũ trụ cho đến khi ra đời lý thuyết vũ trụ gồm vô số các thiên hà như ngày nay. Ông giới thiệu các kính thiên văn lớn đặt tại Mỹ và trên thế giới, cách thức sử dụng và ảnh hưởng của các bức xạ khí quyển đối với việc quan sát thiên văn. Câu chuyện của ông cũng xoay quanh các thành viên trong thái dương hệ, từ sao Thủy ở gần nhất đến Diêm vương tinh xa xôi nhất, và xa hơn nữa là các thiên hà, các sao lùn trắng, các tinh vân, lỗ đen…, và đặc biệt là lý thuyết Big Bang (vụ nổ khai sinh vũ trụ) mà theo ông là lý thuyết quan trọng và uy tín nhất trong thiên văn học cho tới nay.

(Giáo sư Trịnh Xuân Thuận trình bày lịch sử quan niệm về vũ trụ của loài người.)

Nói về lịch sử hình thành vũ trụ và sự sống, GS. Trịnh Xuân Thuận so sánh, nếu tính tuổi của vũ trụ đến nay là tròn một năm (với vụ nổ Big Bang là ngày 1/1), thì hệ mặt trời hình thành vào ngày 9/9, tế bào đầu tiên hình thành ngày 25/9, cái cây đầu tiên xuất hiện 23/12, động vật có vú 26/12 và người cổ đầu tiên vào ngày cuối cùng của năm – 31/12.

GS. Thuận cũng cho biết bởi sự hoàn hảo và hài hòa tuyệt vời của vũ trụ, nên ông tin vào nguyên lý sáng tạo, tức là vũ trụ hiện nay không phải được sinh ra ngẫu nhiên, mà được sáng tạo có chủ ý. Tuy nhiên, “đấng sáng tạo” đó không phải là con người cụ thể, như Chúa hay Phật tổ…

Cuộc thảo luận sôi nổi sau bài giảng của GS. Thuận đã tạo cơ hội cho các học giả và sinh viên Việt Nam bộc lộ niềm say mê thiên văn. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến những vấn đề hóc búa của vũ trụ học hiện nay như năng lượng tối, vũ trụ trong những giây đầu tiên, các lỗ đen và cả những sửa đổi gần đây trong lý thuyết lỗ đen của Hawking. Ba tiếng đồng hồ không ngắn nhưng vẫn là chưa đủ đối với nhiều người. Tạm biệt GS. Thuận, họ hy vọng lại có ngày được tiếp xúc với ông và tiếp cận với các thông tin mới nhất về lĩnh vực khoa học hấp dẫn này.

Bên lề buổi nói chuyện, GS. Thuận đã có cuộc trao đổi ngắn với báo chí:

– Ông đánh giá thế nào về vị trí của ngành thiên văn hiện nay?

– Thiên văn học đang được quan tâm hơn. Các nước, nhất là Mỹ và châu Âu, đầu tư ngày càng nhiều cho lĩnh vực này, với các kính thiên văn càng ngày càng lớn, và nhiều thiết bị, dụng cụ mới. Tôi cho rằng trong 5 – 10 năm tới, thiên văn học sẽ trả lời được nhiều vấn đề, như bằng cách nào các thiên hà nảy nở, cái gì tạo nên vật chất tối của vũ trụ…

Là một Việt kiều, với ưu thế kiến thức của mình, ông có dự định gì giúp đỡ ngành thiên văn Việt Nam?

Trong chuyến thăm này, tôi đã trao đổi với các viện nghiên cứu và các nhà lãnh đạo về vấn đề đưa các sinh viên Việt Nam sang Mỹ học và đưa giáo sư Mỹ thật giỏi tới Việt Nam giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo của Việt Nam. Cụ thể, tôi đã đến thăm và ký kết với lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội về việc trao đổi sinh viên giữa trường với Đại học Virginia. Tuy nhiên, những công việc như thế này đòi hỏi khá nhiều thì giờ, mà tôi thì rất bận, vừa giảng dạy, vừa viết sách lại vừa khảo cứu, do đó nếu có ai giúp được trong vấn đề này thì tốt quá.

Có ý kiến cho rằng thiên văn học là ngành khoa học lý thuyết thuần tuý, chưa có khả năng ứng dụng rộng rãi, nếu Việt Nam đầu tư cho lĩnh vực này trong điều kiện còn nghèo như hiện nay sẽ là lãng phí. Ông nhận định thế nào?

– Tôi công nhận Việt Nam phải làm cái gì thiết thực hơn, nhưng chúng ta cũng nên “gieo giống” cho ngành khoa học thiên văn, vì đó là môn khoa học cơ bản, không thể quên hết những gì cơ bản được.

 Hội nghị vật lý châu Á – Thái Bình dương lần 9 tới sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 10, ông có dự định gì cho sự kiện này?

– Tôi sẽ trình bày 1 báo cáo về những khảo cứu mà tôi dùng kính thiên văn Hubble. Cụ thể, tôi vừa tìm ra một thiên hà rất trẻ, chỉ khoảng 500 triệu năm, so với tuổi 14 tỷ năm của vũ trụ là rất nhỏ.

GS. Thuận là tác giả của 3 cuốn sách Giai điệu bí ẩn, Hỗn độn và Hài hòa, Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận, đã dịch ra tiếng Việt và được bạn đọc hoan nghênh. VnExpress mới đây cũng giới thiệu một bài viết của ông – Ba cái chết của ngôi sao. Cuối năm nay, độc giả sẽ có cơ hội thưởng thức một tác phẩm khác của ông –Cái vô hạn trong lòng bàn tay.

Bích Hạnh

(Theo http://vnexpress.net)

GS Trịnh Xuân Thuận – Nhà nghiên cứu vũ trụ hàng đầu thế giới

(Dân trí) – Đầu tháng 10/2009 vừa qua, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định trao tặng Giải thưởng Kalinga 2009 cho nhà Thiên văn học Trịnh Xuân Thuận.

Giải thưởng này đã thêm một lần nữa khẳng định Giáo sư người Việt đang sống tại Mỹ này là một trong những nhà nghiên cứu và phổ biến khoa học về vũ trụ hàng đầu thế giới hiện nay.

Nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới

Ông từng theo học trung học tại trường Yersin ở Đà Lạt, rồi trường Jean Jacques Rousseau ở Sài Gòn (nay là trường PTTH Lê Quý Đôn – TP.HCM). Hồi bé, cũng như bao đứa trẻ cùng lứa tuổi tò mò khác, cậu bé Trịnh Xuân Thuận vẫn thường nhìn lên bầu trời, ngắm những vì tinh tú, những ngôi sao đổi ngôi, những biến chuyển không ngừng trên nền trời đêm bao la,… và tự đặt ra cho mình vô vàn câu hỏi.

Sau khi đỗ tú tài trường Jean Jacques Rousseau năm 18 tuổi, Trịnh Xuân Thuận sang Thụy Sĩ du học ngành vật lý. Chỉ sau một năm học ở Thụy Sĩ, nhờ khả năng học tập xuất sắc, chàng sinh viên Việt Nam Trịnh Xuân Thuận giành được học bổng lên thẳng năm thứ hai của ba trường đại học danh tiếng bậc nhất nước Mỹ: MIT ở Boston, Học viện Công nghệ California (California Institute of Technology) và Princeton. Ông quyết định theo học tại Học viện Công nghệ California vì ở đó có những giáo sư giỏi hàng đầu thế giới, có những người đã đoạt giải Nobel.

“Lúc đầu, tôi chỉ biết tiếng Pháp, qua Mỹ không biết tiếng Mỹ, bị cắt hết liên lạc gia đình, đâu có tiền mà về thăm nhà. Xa gia đình, xa đất nước mình, thiếu chỗ nương tựa tinh thần, văn hóa lại khác hẳn nên lúc đầu rất khó khăn”, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận nhớ lại những ngày tháng ấy. Ông lần lượt theo học tại Học viện Công nghệ California (California Institute of Technology) từ 1967 đến 1970, và học tại Đại học Princeton từ 1970 đến 1974. Và Trịnh Xuân Thuận đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ tại Đại học Princeton. Từ năm 1976 đến nay, ông là Giáo sư ngành Vật lý thiên văn tại Đại học Virginia. Trong những năm qua, nhà Thiên văn học Trịnh Xuân Thuận nổi tiếng trong giới nghiên cứu vật lý thiên văn thế giới với nhiều công trình nghiên cứu gây tiếng vang lớn.

Vật lý thiên văn và văn học

Không chỉ nổi tiếng là một trong những nhà vật lý thiên văn hàng đầu thế giới, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận còn là người đưa vật lý thiên văn, một ngành khoa học cơ bản, trở nên gần gũi với độc giả nhiều quốc gia qua các tác phẩm nổi tiếng do ông viết. Vốn là người thấm nhuần văn hóa Pháp sống và làm việc tại Mỹ, nên tuy Giáo sư Trịnh Xuân Thuận viết những công trình khoa học bằng tiếng Anh, nhưng ông lại viết những tác phẩm về vũ trụ của mình bằng tiếng Pháp. Và ông đã được coi là một nhà nghiên cứu giàu mỹ cảm.

Còn với bạn đọc Việt Nam, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã được độc giả trong nước biết đến qua những tác phẩm nổi tiếng đã được dịch ra tiếng Việt như: Giai điệu bí ẩn, Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận, Hỗn độn và hài hòa, Cái vô hạn trong lòng bàn tay (Từ Big Bang đến giác ngộ), Những con đường của ánh sáng, Nguồn gốc… Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã nhiều lần về thăm Việt Nam, tham gia giảng dạy cho sinh viên trong nước tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tổ chức những buổi nói chuyện về vũ trụ và vật lý thiên văn. Ông là người đã từng được tham gia chính thức trong phái đoàn của nguyên Tổng thống Pháp Mitterrand sang thăm Việt Nam năm 1993.

Đến nay, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã viết hàng trăm bài tiểu luận cùng những tác phẩm về sự hình thành vũ trụ cùng với những thiên hà và sự phát triển của chúng. Các tác phẩm đã trở nên nổi tiếng của ông bao gồm: Giai điệu bí ẩn (1988); Khám phá: Khai sinh vũ trụ; Big Bang và sau đó (1992); Hỗn độn và hài hòa (1998), (2000); Nguồn gốc và nỗi buồn (2003); Lượng tử và hoa sen (2004)… Trong số đó, cuốn Hỗn độn và hài hòa là tác phẩm bán chạy nhất ở nước Pháp năm 2000. Năm 2007, với tác phẩm Những con đường của ánh sáng, Trịnh Xuân Thuận được Viện Hàn lâm Pháp trao Giải thưởng lớn Moron.

Nhận giải thưởng Kalinga năm 2009 của UNESCO

Năm 2009, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận vừa cho ra mắt tác phẩm mới nhất của ông, cuốn Từ điển dành cho những người đam mê bầu trời và các vì sao (Dictionnaire amoureux du ciel et des étoiles). Trong tác phẩm mới này, Trịnh Xuân Thuận còn đề cập đến những hiện tượng lạ trong vũ trụ như nguồn sáng Quasars hay những tín hiệu từ thiên hà Pulsars… Cuốn sách có những mục từ về lịch sử thiên văn học và cả những bài viết mang tính triết học như “khoa học và vẻ đẹp” hay “khoa học và tiện ích”.

Theo Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, ông tin sự hoàn hảo và hài hòa tuyệt vời của vũ trụ không phải được sinh ra ngẫu nhiên, mà được sáng tạo có chủ ý. Tuy nhiên, “Đấng Sáng Tạo” đó không phải là con người cụ thể, như Chúa hay Phật tổ. Giáo sư cũng tin rằng loài người chúng ta không phải là duy nhất trong vũ trụ và cùng với những tiến bộ của khoa học, rồi đây chúng ta sẽ khám phá ra những hành tinh có thể tồn tại những hình thái sự sống mà chúng ta có thể tiếp cận.

Với sự say mê dành cả cuộc đời để nghiên cứu khoa học thiên văn và đem bầu trời đến với mọi người, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã được UNESCO trao tặng giải thưởng Kalinga về phổ biến khoa học năm 2009. Đây là giải thưởng quốc tế để tôn vinh nỗ lực của những nhà nghiên cứu có nhiều thành công trong công việc phổ biến kiến thức khoa học đến công chúng. Nhà Thiên văn học Trịnh Xuân Thuận là một trong hai nhà khoa học trên thế giới được tặng giải thưởng Kalinga 2009. Người thứ hai được tặng giải Kalinga năm nay là Giáo sư Yash Pal người Ấn Độ. Giải thưởng này sẽ được trao cho Giáo sư Trịnh Xuân Thuận tại Diễn đàn khoa học thế giới ở Budapest, Hungary vào ngày 5/11/2009.

Vũ Anh Tuấn
Theo Wikipedia, RFI, báo chí trong và ngoài nước